Tư vấn hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp

Phát triển du lich Gửi Câu Hỏi
Câu hỏi :
Chúng tôi nhận thấy sự nỗ lực để phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh ta trong những năm qua chưa thành công như tập trung phát triển NTM. Hiện nay Hà Tĩnh nằm trong những tỉnh đi đầu về NTM song du lịch Hà Tĩnh chưa có điểm nổi bật.
Người hỏi: Lê Hải ( 08/03/2023)
Câu trả lời :
Cơ quan trả lời: Tổ Tư vấn Pháp lý Ngày trả lời: 08/03/2023

Du lịch nông thôn là loại hình du lịch mang đến sự trải nghiệm cho du khách về các phương thức sản xuất, sinh hoạt của người dân địa phương có ý nghĩa bảo tổn các giá trị văn hóa truyền thống đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng dân cư tại các khu vực nông thôn. Ở Hà Tĩnh hiện nay có nhiều thuận lợi về mặt tài nguyên để phát triển du lịch nông thôn. Du lịch nông thôn tại Hà Tĩnh trong những năm gần đây mang lại lợi ích không nhỏ cộng đồng dân cư các địa phương... Các dịch vụ chủ yếu bao gồm: tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, trang trại, làng nghề; dịch vụ ẩm thực, chế biến các món ăn, đồ uống từ sản phẩm nông nghiệp, phục vụ ăn uống cho khách; dịch vụ lưu trú tại trang trại, nhà dân (Nghi Xuân); dịch vụ cho thuê phương tiện vận chuyển tại điểm du lịch (Khu du lịch Chùa Hương Tích); bán hàng thủ công mỹ nghệ; tổ chức cho khách trải nghiệm các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội của làng xã như: học làm nông nghiệp, làm hàng thủ công, nấu ăn (Nghi Xuân, Lộc Hà...); hoặc quảng diễn cho khách xem các nghề thủ công truyền thống như nghề gốm, dệt, nghề thuốc bắc (Nghi Xuân)…, các loại hình nghệ thuật dân gian như hát ca trù, dân ca ví dặm (Kỳ Anh, Nghi Xuân, Lộc Hà… ). Tuy nhiên, các hoạt động du lịch tại đây vẫn hết sức nhỏ lẻ, tự phát và chưa mang lại hiệu quả cao và xứng tầm với giá trị tài nguyên. 

Nguyên nhân, đây là loại hình du lịch mới do phát triển tự phát nên các điểm du lịch nông thôn chưa thực sự hấp dẫn du khách, các sản phẩm, dịch vụ còn khá đơn điệu, thiếu tính độc đáo, sáng tạo;thiếu sự liên kết để tạo ra sự hấp dẫn cho du khách; số lao động tham gia vào du lịch nông thôn còn hạn chế, mang tính mùa vụ.... Nhiều bản làng không chú trọng giữ gìn cảnh quan, môi trường, quy hoạch xây dựng dẫn tới phá vỡ cảnh quan. Bên cạnh đó, việc thiếu một mô hình thí điểm được xây dựng và hoạt động hiệu quả làm điểm tiên phong và tạo ra sự lan tỏa cho các địa phương khác.

Hiện đang tồn tại những bất cập trong du lịch nông thôn như: các vấn đề liên quan quản lý đất đai, hạ tầng, mở rộng các cấp quản lý du lịch nông thôn, các chính sách hỗ trợ, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn... Bên cạnh đó, việc chưa có một chính sách tổng thể và cụ thể về phát triển du lịch nông thôn cấp quốc gia nên các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch nông thôn vẫn còn hạn chế.

Từ những tồn tại hạn chế trên, từ ngày 20/9 – 25/9/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các ngành và địa phương liên quan đã tiến hành khảo sát tại 23 mô hình của 20 xã,phường trên địa bàn 10 huyện, thị xã và thành phố. Chương trình khảo sát đã tạo điều kiện gặp gỡ, kết nối giữa đơn vị tư vấn và chính quyền địa phương, cũng như người dân ở tại các địa điểm có tiềm năng dự kiến đề xuất để nắm bắt thêm ý chí của chính quyền và người dân mong muốn làm du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Đây cũng là một trong những hướng đi quan trọng trong thời gian tới do đó cần phải đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với thành quả của phong trào xây dựng nông thôn mới, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Hiện nay, qua nghiên cứu các văn bản hiện hành về hỗ trợ xây dựng phát triển các mô hình du lịch nông thôn, nội dung này đã có trong một số các văn bản liên quan, cụ thể:

- Tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có nội dung tại điểm “đ) Xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững

Xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch làng thông minh, du lịch không phát thải. Ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc cho từng vùng miền và có hiệu quả kinh tế; hướng tới việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của mọi tác nhân trong chuỗi giá trị du lịch (nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành, cộng đồng và du khách,…) trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; có áp dụng các giải pháp về chuyển đổi số; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân”.

-Tại Thông tư 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài chính về Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, có nội dung điểm d, Điều 20. Chi thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới như sau: d) Chi hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

Hiện nay, Sở Tài chính đang xây dựng Dự thảo Quy định một số nội dung, mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022- 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó quy định chi tiết mức hỗ trợ nội dung tại điểm d, điều 20, Thông tư 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài chính như sau:

“Đối với hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức hỗ trợ: - Hỗ trợ không quá 70% kinh phí thực hiện xây dựng mô hình đối với các thôn thuộc xã vùng miền núi, mức hỗ trợ tối đa 1,4 tỷ đồng/mô hình; - Hỗ trợ không quá 50% kinh phí thực hiện xây dựng mô hình đối với các thôn thuộc xã vùng còn lại, mức hỗ trợ tối đa 1,0 tỷ đồng/mô hình”.

Trên cơ sở đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương triển khai dự án thí điểm xây dựng mô hình phát triển du lịch nông thôn theo từng loại hình du lịch tại một số địa phương có tiềm năng lớn. Từ đó tạo ra các hạt nhân lan tỏa cho các địa phương lân cận hình thành và phát triển loại hình du lịch này.


[Trở về]
Phản hồi bạn đọc