Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn diễn ra tại Hà Tĩnh là do nhiều người dân còn dễ dãi khi mua hàng hoá và có tâm lý e ngại, sợ phiền phức khi đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình.
Ông Nguyễn Trọng H. ở TP Hà Tĩnh (ngoài cùng bên phải) phản ánh gói phở bò có khối lượng nhẹ hơn khối lượng tịnh được ghi trên bao bì với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh. (Ảnh chụp tháng 8/2020).
Dịp tết Nguyên đán vừa qua, bà Trần Thị Đào (xã Cổ Đạm - Nghi Xuân) mua 2 gói bánh quy có hình dáng hộp, họa tiết trang trí giống hệt nhau, 1 hộp là bánh Cosy và 1 hộp là Gossy.
Bà Đào cho biết: “Tôi mua bánh ở 2 cửa hàng khác nhau. Khi mua cũng không để ý vì tôi vẫn thường mua bánh Cosy của Kinh đô. Đến lúc đưa ra sử dụng, con gái tôi nói đây là 2 bánh khác nhau thì tôi mới để ý vì 2 hộp bánh nếu chỉ nhìn qua thì giống y hệt nhau. Nghi ngờ là bánh nhái thương hiệu nhưng tôi nghĩ hộp bánh chả đáng là bao nên cũng thôi”.
Tư tưởng “tặc lưỡi cho qua” như bà Đào không phải là hiếm hoi. Theo khảo sát ý kiến của một số người dân cho thấy, nhiều người vẫn “bỏ quên” quyền của mình trong hoạt động giao thương hàng hóa. Nếu như phát hiện một gói bánh không đủ trọng lượng ghi trên bao bì hay một chai nước quá hạn sử dụng thì nhiều người vẫn chọn giải pháp “cho qua” vì tâm lý e ngại và sợ mất thời gian.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (thị xã Kỳ Anh) khiếu nại công ty bảo hiểm bồi thường không thỏa đáng. (Ảnh chụp tháng 11/2020)
Bà Nguyễn Thị Nga (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) bày tỏ: “Thực tế, nếu phát hiện 1 sản phẩm vi phạm trong hoạt động mua bán, chắc tôi cũng sẽ bỏ qua nếu sản phẩm đó có giá trị nhỏ. Chi phí đi lại để khiếu kiện, tiêu tốn thời gian có khi còn mất nhiều hơn so với số tiền bỏ ra mua sản phẩm".
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực thi hành từ năm 2011 nhưng hiện nay, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang xảy ra phổ biến. Nhiều người chưa nắm rõ luật, chưa hiểu hết được các quyền lợi của mình, dẫn đến thờ ơ và không biết cách tự bảo vệ những quyền lợi chính đáng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái, hành vi gian lận thương mại vẫn còn diễn ra.
Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phát tờ rơi tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng.
Để người dân nắm rõ hơn về luật và không “quên” quyền lợi của mình, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đã được các ban, ngành chức năng triển khai rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng như phát tờ rơi, đặt hộp thư phản ánh, công bố đường dây nóng ở các điểm công cộng, tập huấn về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Theo ông Trần Hữu Hạnh – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tỉnh, hiện nay, lượng người đến hội phản ánh về các vụ việc liên quan đến hàng hóa, dịch vụ không nhiều. Đa số người dân khi quyền lợi chính đáng của mình bị xâm phạm nhưng chỉ im lặng, không lên tiếng hoặc cho rằng đó chỉ là những vi phạm nhỏ, không muốn làm lớn chuyện, sợ phiền phức. Chỉ khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại với giá trị lớn thì họ mới gửi phản ánh, khiếu nại.
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh gắm hòm thư tiếp nhận phản ánh tại các điểm công cộng. (Ảnh chụp tháng 11/2020).
“Chúng tôi luôn khuyến khích người tiêu dùng khi phát hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, sản phẩm quá hạn, không đúng trọng lượng hay các hành vi gian lận thương mại… hãy kịp thời phản ánh đến hội để được hỗ trợ giải quyết. Đây vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của người tiêu dùng nhằm góp phần giảm thiểu các vi phạm về hàng hóa, hoạt động mua bán” – ông Hạnh nói thêm.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo hơn trong việc mua sắm, khi trao đổi, mua bán hàng hóa nên quan tâm đến hóa đơn chứng từ, xuất xứ hàng hóa, xem kỹ hạn sử dụng, bao bì sản phẩm...
Theo Loan Anh/Báo Hà Tĩnh