Thời điểm này, các hợp tác xã trên địa bàn Hà Tĩnh đang chú trọng nâng công suất, tăng sản lượng hàng hóa, phục vụ nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước dịp tết Nguyên đán.
Bánh đa vừng Nguyên Lâm của HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm (huyện Kỳ Anh) không chỉ nổi tiếng với người tiêu dùng trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành trên cả nước mà đã có mặt tại thị trường Nhật Bản và Nga.
Dịp cận tết, nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng đột biến nên cơ sở phải huy động 15 lao động, vận hành sản xuất tại 2 nhà xưởng tại xã Kỳ Giang và xã Kỳ Tiến (huyện Kỳ Anh). Từ tháng 11 này, đơn vị đã nâng công suất lên 25.000 bánh/ngày (bình thường là 18.000 bánh/ngày). Từ nay đến cuối năm, HTX đặt mục tiêu sản xuất và phân phối trên 250.000 bánh, mang về nguồn thu nửa tỷ đồng.
Công nhân HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm đóng gói sản phẩm để xuất khẩu.
Ông Lê Văn Duẩn - Giám đốc HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm cho hay: “Năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của cơ sở thuận lợi, các đối tác tại Nhật Bản và Nga hợp tác theo hợp đồng ký kết với sản lượng 420.000 bánh, doanh thu 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, thị trường trong nước đã tiêu thụ gần 3 triệu bánh, trị giá khoảng 4 tỷ đồng. Hiện nay, HTX đang tăng ca để giao hàng cho đối tác đúng lịch. Năm 2023 thắng lợi lớn đã tạo động lực để đơn vị tăng kế hoạch sản xuất với mục tiêu phân phối 4,5 triệu bánh, doanh thu 8 tỷ đồng”.
HTX làm ăn thuận lợi không chỉ mang về nguồn lợi lớn cho các thành viên mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương. Chị Lê Thị Liệu (xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh) chia sẻ: “Trước đây, tôi làm công nhân ở miền Nam, công việc xa nhà, chi phí sinh hoạt đắt đỏ trong khi mức lương có hạn nên tôi quyết định về quê và trở thành công nhân chế biến cho HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm. Được làm việc gần nhà với nguồn thu nhập ổn định, tôi rất phấn khởi”.
HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Phú Khương tham gia Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ 6.
Bắt đầu từ tháng 10/2023, hoạt động sản xuất tại HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) trở nên tất bật. Hàng chục công nhân được chia làm nhiều bộ phận như: kiểm tra chất lượng hàng hóa; đóng gói sản phẩm; tham gia hội chợ tìm kiếm đối tác; duy trì phân phối sản phẩm ra thị trường...
Bà Lê Thị Khương - Giám đốc HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Phú Khương chia sẻ: “Việc nâng hạng nước mắm Phú Khương từ OCOP 3 sao lên 4 sao cấp tỉnh càng củng cố thêm thương hiệu trên thị trường. 10 tháng năm 2023, đơn vị tiêu thụ khoảng 200.000 lít nước mắm các loại, nguồn thu trên 15 tỷ đồng. Từ nay đến tết Nguyên đán, cơ sở sẽ tiêu thụ tầm 100.000 lít nước mắm. Ngoài ra, HTX còn phân phối các mặt hàng thủy hải sản khô ra thị trường, mang về nguồn thu khá”.
Được biết, năm 2024, HTX này đặt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 400.000 lít nước mắm các loại. Theo đó, ngoài chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp tục đầu tư tự động hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí; HTX còn tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, mở rộng kênh phân phối và cố gắng đàm phán đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn.
Đang là mùa cao điểm sản xuất, HTX Hương Trầm Hiền Linh (xã Phúc Trạch, Hương Khê) cũng tất bật với các quy trình chế tác sản phẩm chiết xuất từ cây dó trầm như: các loại hương trầm thẻ, trầm nụ, hàng mỹ nghệ, hàng xông, tinh dầu, trầm cảnh phong thủy... Dự kiến, tết năm nay, cơ sở thu về 2 tỷ đồng.
Anh Bùi Thức Chính - Giám đốc HTX Hương Trầm Hiền Linh thông tin: “Với khoảng 300 ha cây dó trầm trên địa bàn xã Phúc Trạch đã tạo nguồn nguyên liệu chất lượng để cơ sở đầu tư chế biến ra nhiều loại sản phẩm. Mỗi sản phẩm có công thức chế tạo khác nhau nhưng điểm chung là sử dụng nguyên liệu an toàn, không sử dụng hóa chất độc hại nên thu hút sự chú ý của khách hàng. Ngoài ra, nhờ xây dựng thương hiệu OCOP 3 sao cấp tỉnh và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh cùng với việc đẩy mạnh quảng bá sản phẩm bằng nhiều kênh nên các sản phẩm của HTX được người tiêu dùng nhiều tỉnh, thành trong nước đón nhận. Thời điểm này, ngoài sử dụng máy sấy để sản xuất, HTX tập trung phân loại, đóng gói và phân phối lượng lớn sản phẩm ra thị trường”.
Được biết, Hà Tĩnh hiện có hơn 1.000 HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Chặng đường cuối năm, các đơn vị đang đẩy mạnh sản xuất, phân phối sản phẩm ra thị trường, hứa hẹn mang về nguồn lợi lớn cho một năm trăn trở, tìm tòi, đổi mới và miệt mài lao động.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Những năm qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có nhiều cố gắng đổi mới trong hoạt động. Theo đó, nhiều đơn vị đã mạnh dạn đầu tư thiết bị máy móc hiện đại, quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào quản lý và dây chuyền sản xuất, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu theo tiêu chuẩn OCOP.
Ngoài ra, lợi thế của các HTX trên địa bàn là nguồn nguyên liệu sản xuất sẵn có; chú trọng tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng chủng loại, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng. Cùng với việc thay đổi nhận thức trong kinh doanh, chủ các cơ sở cũng đã tích cực tham gia các hội chợ thương mại, tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số, tạo dư địa phát triển. Với việc “tung” ra thị trường lượng hàng hóa lớn trong dịp tết sẽ mang về nguồn thu đáng kể, tạo động lực để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong năm mới 2024”.
BBT