Theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 giảm 0,17%, sau tháng một có mức tăng cao nhất trong 7 năm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, CPI vẫn tăng 5,4%. Bình quân 2 tháng đầu năm, CPI tăng 5,91%, mức cao nhất 7 năm gần đây.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, có 5 nhóm hàng tăng giá, nhưng mức tăng rất thấp 0,04-0,26%.
6 nhóm giảm giá, gồm giao thông giảm 2,5%; văn hóa, giải trí và du lịch 0,43%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,28%; may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,13%; bưu chính viễn thông 0,05%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,03%.
Theo cơ quan thống kê, nguyên nhân CPI giảm là do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm, nên giá các mặt hàng may mặc, mũ nón, giày dép, đồ uống... dần trở về mặt bằng giá trước Tết.
Mặt khác, dịch Covid-19 đã tác động tới nhu cầu du lịch, lễ hội nên giá các dịch vụ này đều giảm. Một số đường biên giới đóng cửa hoặc chịu sự kiểm soát chặt chẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu trái cây của Việt Nam làm giá các loại quả tươi, chế biến giảm do nguồn cung dồi dào.
Giá xăng dầu giảm 2 lần trong tháng 2, tổng cộng gần 1.000 đồng mỗi lít, làm CPI giảm 0,23%.
Theo Minh Anh/vnexpress.net