Đầu tư trên 10 tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất tiên tiến, mỗi năm, Công ty TNHH Thương mại Ngọc Đường (Xuân Hải – Nghi Xuân – Hà Tĩnh) xuất khẩu hàng ngàn tấn lạc nhân, thu về hàng chục tỷ đồng.
Đầu tư trên 10 tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất tiên tiến, mỗi năm, Công ty TNHH Thương mại Ngọc Đường (Xuân Hải – Nghi Xuân – Hà Tĩnh) xuất khẩu hàng ngàn tấn lạc nhân, thu về hàng chục tỷ đồng.
Dây chuyền sản xuất lạc nhân được công ty TNHH Thương mại Ngọc Đường đầu tư trên 10 tỷ đồng
“Trong thu mua, chế biến và xuất khẩu lạc nhân, muốn thoát khỏi cảnh “lấy công làm lãi”, đòi hỏi quy mô sản xuất lớn và dây chuyền công nghệ hiện đại. Sau 22 năm hoạt động, đơn vị không ngừng đầu tư, mở rộng quy mô, khai thác tiềm năng nguyên liệu dồi dào của nông dân Hà Tĩnh. Nhờ đó, chúng tôi đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường xuất khẩu” – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngọc Đường - Nguyễn Xuân Đường chia sẻ khi dẫn chúng tôi tham quan dây chuyền sản xuất lạc nhân.
Để đủ nguyên liệu sản xuất, Công ty "phủ sóng" tới các vựa lạc lớn trong và ngoài tỉnh
Ông Đường nhớ lại: Năm 1996, vợ chồng “chân ướt chân ráo” bước vào thu mua, bóc tách lạc nhân rồi đưa sang Nghệ An nhập, mỗi lần vài ba tạ. Năm 2002, nhận thấy những cơ hội làm ăn lớn từ xuất khẩu lạc, anh chị quyết tâm đầu tư quy mô lớn, bao tiêu ổn định. Khi thị trường rộng mở, nguồn vốn càng lớn, năm 2007 vợ chồng quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân và hiện đã trở thành doanh nghiệp xuất khẩu lạc nhân lớn nhất Hà Tĩnh. Hàng chục năm qua, không chỉ vùng nguyên liệu Nghi Xuân mà công ty “phủ sóng” tới các vựa lạc lớn của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An…"
Ông Trần Giang Nam (xã Xuân Trường - Nghi Xuân): Tôi thu mua, sản xuất lạc nhân nhập cho Công ty TNHH Thương mại Ngọc Đường đã 4 năm, mỗi năm trên 40 tấn.
Chiến lược kinh doanh mở rộng cũng là lúc doanh nghiệp phải hiện đại hóa dây chuyền sản xuất. Huy động nguồn vốn bằng nhiều kênh, hệ thống máy tách vỏ lạc, máy sàng, máy nhặt lạc... được đầu tư với nguồn kinh phí gần 10 tỷ đồng. Đặc biệt, có máy sấy và kho đông lạnh, Công ty chủ động trong việc gom và nhập hàng - điều mà nhiều cơ sở thu mua, chế biến nông sản ở Hà Tĩnh còn yếu. Dây chuyền sản xuất hiện đại là lợi thế để Công ty mở rộng quy mô, thị trường, giải phóng sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi thế mà, sản lượng lạc nhân xuất khẩu của doanh nghiệp ngày càng tăng.
“Không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa, lạc nhân của chúng tôi đã được xuất sang các thị trường lớn như: Singapore, Philipines, Thái Lan, Malaysia… thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu ở Hà Nội. Những năm gần đây, Trung Quốc mở cửa đón lạc nhân Việt Nam, chúng tôi đã bắt đầu tiếp cận được thị trường này. Năm 2017, công ty xuất trên 1.400 tấn lạc nhân, trị giá 42 tỷ đồng. Năm nay, lạc được mùa, sản lượng xuất khẩu dự sẽ tăng khá lớn” – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngọc Đường cho biết thêm.
Công nhân Công ty đóng bao bì xuất sang Trung Quốc.
Trước đây, lạc của Hà Tĩnh chủ yếu được bán cho thương lái ngoại tỉnh, thường bị ép giá. Với những DN xuất khẩu lạc nội tỉnh như Công ty TNHH Thương mại Ngọc Đường..., gần chục năm nay, nông dân Hà Tĩnh đã yên tâm về đầu ra. Là doanh nghiệp xuất khẩu lạc nhân lớn nhất Hà Tĩnh, Công ty không chỉ đồng hành bao tiêu nông sản cho nông dân, tạo sự tăng trưởng trong kim ngạch xuất khẩu nông sản của Hà Tĩnh mà giải quyết việc làm cho trên 30 lao động địa phương.
Anh Trần Bá Tân (xã Xuân Trường – Nghi Xuân) cho hay: “Tôi đã làm việc tại doanh nghiệp Ngọc Đường 6 năm. Trong khi nhiều người phải ly hương kiếm sống thì tôi có công việc ổn định, gần nhà với mức thu nhập từ 300 - 350 ngàn đồng/ngày công”.
Để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, điều mà Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngọc Đường trăn trở là tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện dây chuyền sản xuất theo hướng tự động hóa cao. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư khá lớn, Công ty mong muốn các cấp có thẩm quyền đồng hành, có chính sách cho vay, hỗ trợ đầu tư hạ tầng sản xuất, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng kim ngạch xuất khẩu lạc nhân của Hà Tĩnh.
Thu Phương - Thái Oanh
Theo Baohatinh.vn