Quy định về nâng trần giờ làm thêm vừa có hiệu lực nhận được sự quan tâm của người lao động, doanh nghiệp ở Hà Tĩnh. Đây được coi là một trong những giải pháp đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời kỳ dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người lao động
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Nhà máy May Thiên Thành Five Star có nhu cầu lớn về nhân lực trong giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, số giờ làm thêm tối đa của người lao động được nâng từ 200 giờ lên 300 giờ/năm, từ 40 giờ lên 60 giờ/tháng; có hiệu lực thi hành từ 1/4/2022. Quy định này nhận được sự hưởng ứng của phần lớn người lao động và người sử dụng lao động.
Thành lập và đi vào hoạt động vào tháng 11/2021, Nhà máy May Thiên Thành Five Star (khu công nghiệp Đại Kim, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn) liên tiếp gặp những khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh.
Nhà máy May Thiên Thành Five Star hiện có khoảng 600 lao động đang làm việc.
Có những thời điểm, gần 250/600 công nhân xin nghỉ việc do bị nhiễm COVID-19 hoặc phải cách ly theo quy định. Hệ thống máy móc bị bỏ không nhiều trong khi vẫn phải chi phí để duy trì hoạt động, khấu hao tài sản; đơn hàng đã ký kết với đối tác không được hoàn thành đúng tiến độ khiến công ty phải nộp phạt.
“Thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho công ty khá lớn, nhân lực thiếu nên tăng thời gian làm thêm giờ của công nhân thời điểm này là một trong những giải pháp giúp chúng tôi phục hồi, duy trì ổn định hoạt động sản xuất” - ông Trần Đức Lịch, Giám đốc Nhà máy cho biết.
Chị Hoàng Thị Hồng Hạnh và phần lớn công nhân Nhà máy May Thiên Thành Five Star có nhu cầu tăng ca để có thêm thu nhập.
Về phía người lao động, sau một thời gian công việc, thu nhập bị ảnh hưởng do nghỉ dịch, hầu hết đều có nhu cầu tăng ca để tăng thêm thu nhập. Chị Hoàng Thị Hồng Hạnh - bộ phận QC (quản lý chất lượng) cho biết: “Trước đây, nếu làm thêm 40 giờ/tháng thì tôi có thêm khoảng 1 triệu đồng. Nay nếu áp dụng quy định mới, chắc chắn sẽ vất vả hơn nhưng tôi vẫn muốn tăng giờ làm để có thêm chi phí trang trải cuộc sống”.
Với những công nhân trẻ, xa nhà thì nhu cầu tăng ca càng lớn. Chị Nguyễn Thị Vân Anh (bộ phận may) chia sẻ: “Tôi quê ở huyện Cẩm Xuyên, chưa có gia đình nên cũng không vướng bận gì nhiều. Vì vậy tôi rất muốn được tăng giờ làm thêm để vừa có thu nhập, vừa rèn luyện tay nghề”.
Một số công nhân Công ty CP May xuất khẩu MTV cũng có nhu cầu tăng ca.
Vì những lý do khách quan nên Công ty CP May xuất khẩu MTV (cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) không thường xuyên tổ chức tăng ca nhưng một số công nhân vẫn có mong muốn được tăng giờ làm thêm.
Chị Nguyễn Thị Minh Anh - công nhân Công ty CP May xuất khẩu MTV chia sẻ: “Nhà gần, lại có ông bà giúp đỡ việc gia đình nên tôi sẵn sàng làm thêm giờ khi công ty có nhu cầu”.
Cần quan tâm nhiều yếu tố
Trong bối cảnh các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch thì tăng giờ làm thêm sẽ là giải pháp bù đắp tình trạng thiếu hụt lao động, đảm bảo sản xuất; tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, để áp dụng quy định này vào thực tế cần quan tâm đến nhiều yếu tố đi kèm.
Dịch COVID-19 tác động trực tiếp đến sức khỏe thể chất, tinh thần, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu suất công việc của người lao động. Vì vậy, mặc dù nâng trần giờ làm thêm đáp ứng nhu cầu thực tế nhưng sức khỏe, tâm lý của người lao động vẫn phải được đặt lên hàng đầu.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP UP Hà Tĩnh Phạm Tiến Dũng (bên phải) trao đổi công việc, năm bắt tâm tư người lao động.
Là một trong những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực cơ khí, Công ty TNHH UP Hà Tĩnh (Khu công nghiệp Phú Vinh - TX Kỳ Anh) thường xuyên phải tăng ca để phục vụ nhu cầu của Formosa Hà Tĩnh và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ngoài chi trả chế độ làm thêm giờ theo quy định của pháp luật thì công ty còn hỗ trợ thêm 30 nghìn đồng đối với người lao động làm ca đêm.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP UP Hà Tĩnh Phạm Tiến Dũng cho biết: “Trong bối cảnh nào thì giờ làm thêm vẫn phải được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận của người lao động và chủ sử dụng lao động; đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Thời gian tới, nếu áp dụng quy định mới thì chúng tôi sẽ phải nghiên cứu kỹ quy định để tiếp tục đề xuất các điều khoản có lợi hơn cho người lao động, đưa vào thỏa ước lao động tập thể của công ty”.
Chất lượng bữa ăn ca góp phần tăng cường sức khỏe cho người lao động.
Về phương diện pháp luật, việc áp dụng quy định tăng thời gian làm thêm phải được quản lý, giám sát chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Ông Lê Văn Chí - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng: “Khi đã áp dụng quy định nâng trần giờ làm thêm tại các doanh nghiệp thì cơ quan chức năng như ngành LĐ-TB&XH, Công đoàn... phải tăng cường vai trò giám sát, kiểm tra để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về thời gian, chế độ chi trả tiền làm thêm giờ cho người lao động”.
Khám sức khỏe định kỳ cho người lao động là trách nhiệm của doanh nghiệp
Đại diện LĐLĐ tỉnh cũng cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giảm thiểu mức độ ảnh hưởng sức khỏe, năng suất và tâm lý của người lao động. Theo đó, doanh nghiệp cần phải đầu tư trang thiết bị, cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; nâng chất lượng bữa ăn ca, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân, lao động...
Dù là giải pháp có lợi cho đôi bên trong bối cảnh các doanh nghiệp đẩy mạnh phục hồi sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên, việc tăng giờ làm thêm cũng chỉ nên coi là biện pháp trước mắt. Về lâu dài, doanh nghiệp cần có những chính sách thu hút, tuyển đủ nhân lực, cải thiện hệ thống quản lý để tăng năng suất lao động, phát triển ổn định.
Theo BHT