Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu: Đề án phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 phải xây dựng được các giải pháp đồng bộ, trong đó cốt lõi nhất là rà soát lại các quy định, gắn với trách nhiệm người đứng đầu…
Dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, sáng nay (22/5) Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp nghe và cho ý kiến về đề án, thống nhất ban hành nghị quyết tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19. Cùng dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Dự thảo do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, đại diện Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình bày nêu rõ: Phạm vi đề án tập trung vào phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế; thông tin để xây dựng đề án từ chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Tỉnh ủy; thông tin dữ liệu của sở, ngành, ý kiến của doanh nghiệp (DN), từ đánh giá các chỉ số PCI, PAX INDEX.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh trình bày tóm tắt đề án tại cuộc họp.
3 đối tượng của đề án gồm các tổ chức kinh tế, DN thu hút đầu tư, đang làm thủ tục đầu tư và đầu tư công; giải pháp tập trung vào các nhóm chỉ đạo, điều hành, chỉ đạo của Chính phủ, tháo gỡ vướng mắc của tỉnh, xác định các chính sách ngắn hạn cần tập trung…
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Văn Hùng: Nên đặt vấn đề hậu Covid-19 trên địa bàn Hà Tĩnh có khó khăn, thuận lợi gì? Đồng thời, tận dụng các chỉ đạo của Trung ương để tổ chức thực hiện hiệu quả.
Với các nhóm giải pháp được xây dựng, dự thảo đề án hướng đến việc rà soát cắt giảm và loại bỏ các rào cản về thủ tục hành chính, pháp lý cho người dân và DN; xử lý triệt để tình trạng cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và DN của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, sự trì trệ, thiếu trách nhiệm tại một số sở, ban, ngành và địa phương, đặc biệt ở cấp cơ sở.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hồng Hải: Đề án cần phân tích rõ hơn những khó khăn, chủ động đề xuất cụ thể trách nhiệm từng đơn vị để xử lý.
Đồng thời, rà soát, sửa đổi các cơ chế chính sách và ban hành mới một số chính sách có tính đặc thù thực sự cấp thiết, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh để thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2020.
Thảo luận tại cuộc họp, đại biểu cho rằng, việc ban hành và triển khai thực hiện đề án là cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, vừa góp phần quan trọng trong phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo môi trường thuận lợi hơn cho DN, người dân.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Đặt trong bối cảnh tình hình hiện nay, những chính sách, giải pháp của đề án đáp ứng được các giải pháp tình thế, cấp bách để phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, cần nghiên cứu các chính sách dài hạn…
Ngoài ra, đề án cần đánh giá rõ hơn phần thực trạng, có nhìn nhận thật sự khách quan về tác động của dịch đối với tất cả các lĩnh vực; nghiên cứu có giải pháp ưu tiên phát triển du lịch nội địa; hướng vào trọng tâm các chính sách phát triển sản xuất; thực hiện các chính sách công khai, minh bạch, đúng đối tượng…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Đề nghị soát xét thêm các đối tượng khác như DN vận tải, DN trường học bị thiệt hại; hướng vào trọng tâm các chính sách phát triển sản xuất; thực hiện các chính sách công khai, minh bạch, đúng đối tượng…
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng: Ban Cán sự Đảng tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp để hoàn thiện đề án và các nội dung liên quan. Theo đó, nghiên cứu, rà soát thêm chính sách về vận tải, du lịch; các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn văn bản hướng dẫn để khi ban hành nghị quyết kịp thời triển khai ngay.
Đánh giá toàn diện tác động của dịch Covid- 19
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đánh giá cao sự nỗ lực của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trong điều kiện thời gian gấp rút, nội dung chưa có trong tiền lệ nhưng đã có sản phẩm tương đối hoàn chỉnh, có sự thuyết phục nhất định. Đây cũng là lần đầu tiên tham mưu đề án có dự thảo kết luận, dự thảo nghị quyết liên quan.
“Đây là đề án rất cần thiết để ban hành, cũng là sự chờ đợi của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, người dân, doanh nghiệp… đối với sự phục hồi và phát triển của tỉnh sau dịch bệnh” – Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, đề án chưa đánh giá toàn diện tác động của dịch Covid-19 nên chưa thực sự thuyết phục; làm ngắn hạn nhưng phải quan tâm đến dài hạn, chiến lược…
Đồng thời, cần xác định đây là cơ hội tốt để nhìn lại những tồn tại, trì trệ để phát hiện những nút thắt cần tháo gỡ; xác định các nguồn lực để có giải pháp khai thông về nguồn lực xã hội từ nhà đầu tư, doanh nghiệp; nguồn đầu tư công, nguồn chính sách.
Trong đó, về cơ chế chính sách phục hồi của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị rà soát lại để tiếp tục điều chỉnh, bãi bỏ, ban hành mới những giải pháp đồng bộ, cốt lõi, nhất là rà soát lại các quy định, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, cải cách hành chính…
Về các chính sách ngắn hạn, thống nhất ban hành đến hết năm 2020; nội hàm ưu tiên du lịch, xuất khẩu; hỗ trợ chăn nuôi theo nguyên tắc không can thiệp vào thị trường, vừa đúng quy luật, vừa đúng thực tiễn; nghiên cứu thêm hỗ trợ lĩnh vực vận tải, trường học… Tuy vậy, cần tiếp tục rà soát tổng thể các giải pháp, chính sách về lâu dài để trình kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm.
Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, rà soát, hoàn thiện đề án và các nội dung liên quan để trình HĐND tỉnh xem xét thông qua tại Kỳ họp lần thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII vào đầu tháng 7. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cân nhắc ban hành chỉ thị; HĐND trên tinh thần kết luận chủ động cùng UBND tỉnh hoàn thiện đề án.
Theo Thành Chung - Dương Chiến/ Baohatinh.vn