Tính đến ngày 25/7, số nợ khó thu của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động tại Cục Thuế Hà Tĩnh là hơn 104 tỷ đồng. Đây là những doanh nghiệp đã mất năng lực hành vi dân sự, bỏ địa chỉ kinh doanh, chờ giải thể, mất khả năng thanh toán.
Kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng và vận tải từ năm 2011, nhưng do nhiều nguyên nhân, đến nay, Công ty TNHH Bảo An Hà Tĩnh đã dừng hoạt động. Nhiều tháng nay, công ty đã không đến Cục Thuế Hà Tĩnh thanh lý hóa đơn chứng từ. Hiện tại, số nợ thuế của công ty tại Cục Thuế Hà Tĩnh vẫn còn hơn 678 triệu đồng.
Một doanh nghiệp khi ngừng hoạt động sẽ có thông báo của Cục Thuế Hà Tĩnh nhưng đa số doanh nghiệp này còn nợ thuế nên việc thông báo không thể thực hiện
Tương tự, Xí nghiệp xây dựng 20/11 (TP Hà Tĩnh) hiện cũng đã dừng hoạt động nhưng còn để lại số nợ hơn 533 triệu đồng tại Cục Thuế Hà Tĩnh. Và đương nhiên, khoản nợ này sẽ được đưa vào nhóm nợ thuế khó thu của đơn vị.
Theo thống kê của Cục Thuế Hà Tĩnh, tính đến nay, toàn tỉnh có 9.340 doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp giấy phép kinh doanh, cấp mã số thuế. Tuy nhiên, có đến 3.903 doanh nghiệp, hợp tác xã đã ngừng, nghỉ hoạt động sản xuất kinh doanh (chiếm 41,8%). Số nợ khó thu của các doanh nghiệp đã ngừng, nghỉ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm hơn 104 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Cảnh Bảy - Trưởng phòng tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế Hà Tĩnh cho biết: “Doanh nghiệp đã phá sản, dừng kinh doanh thì sẽ chây ỳ, cố tình chiếm dụng tiền thuế. Cũng có nhiều doanh nghiệp đã rút khỏi địa điểm đăng ký kinh doanh mà đơn vị quản lý thu thuế không biết nên rất khó khăn trong việc thu nợ”.
Cục Thuế Hà Tĩnh hiện còn hơn 104 tỷ đồng nợ khó thu của doanh nghiệp đã dừng hoạt động
Thực tế hiện nay, cơ chế chính sách trong thành lập doanh nghiệp, cấp mã số thuế vẫn còn nhiều hạn chế là nguyên nhân gây nợ đọng thuế. Theo đó, Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý thuế không quy định việc chủ thể nợ thuế không được lập doanh nghiệp mới nên nhiều chủ doanh nghiệp đã thành lập doanh nghiệp khác, chuyển địa điểm kinh doanh để trốn thuế.
Bên cạnh đó, việc thực hiện cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp trích tài khoản ngân hàng gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp nợ thuế chuyển sang giao dịch tiền mặt và cơ quan thuế chủ yếu chỉ nắm được số tài khoản không có dư hoặc số dư nhỏ không đủ thực hiện cưỡng chế.
Ngoài ra, chế tài xử lý các doanh nghiệp nợ thuế cũng chưa nghiêm bởi luật quy định hành vi được coi là trốn thuế khi trốn từ trên 100 triệu đồng trở lên, nhưng nợ thuế ở mức nào, thời hạn bao lâu thì chưa quy định vào tội trốn thuế để truy tố.
Doanh nghiệp kê khai thuế tại Cục Thuế Hà Tĩnh
Để thu hồi khoản nợ khó trên, ngành thuế Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp. Theo đó, giải pháp hiệu quả nhất lâu nay ngành vẫn áp dụng là truy tận gốc trụ sở của doanh nghiệp để đòi nợ. Bên cạnh đó, ngành cũng phối hợp với cơ quan công an trong xử lý các doanh nghiệp có dấu hiệu phạm tội, bỏ trốn khi còn nợ thuế; thường xuyên phối hợp với các ngân hàng thương mại để xác minh thông tin về tài khoản của doanh nghiệp, phối hợp cưỡng chế nợ thuế. Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã ban hành 3.318 lượt quyết định cưỡng chế đối với 931 doanh nghiệp, qua đó đã thu nộp NSNN được số tiền trên 53 tỷ đồng.
Theo Baohatinh.vn