Tư vấn hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp

Tuyển dụng nhân sự Gửi Câu Hỏi
Câu hỏi :
Vấn đề nhân sự trong ngành du lịch hiện nay là một bài toán khó với hệ thống doanh nghiệp du lịch. Việc tuyển dụng nhân sự vào làm hết sức khó khăn vì thời gian bệnh dịch kéo dài, nhân sự trong ngành du lịch đã chuyển hướng sang các ngành nghề khác. Việc liên kết với các trường dạy nghề gần như thất bại vì không có học sinh học trong lĩnh vực này. Vậy chúng tôi kiến nghị: ngành giáo dục cần có chính sách ưu tiên đối với sinh viên, học viên học nghề du lịch- để thu hút sinh nhiên cho lĩnh vực này. Từ đó doanh nghiệp mới có thể ký kết các hợp đồng liên kết- hoặc tuyển dụng nhân sự. Đối với các khách sạn du lịch biển thì ngành giáo dục cần lưu ý tính thời vụ để ký kết các hợp đồng thực tập giữa 2 bên để phù hợp với khung thời gian mà khách sạn cần nhân sự. Việc này thực sự rất có ý nghĩa lớn với khách sạn biển
Người hỏi: Phạm Thị Phúc ( 08/03/2023)
Câu trả lời :
Cơ quan trả lời: Tổ Tư vấn pháp lý Ngày trả lời: 08/03/2023

Trước đại dịch Covid-19, ngành Du lịch Hà Tĩnh có gần 7000 lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch và xấp xỉ 13.200 lao động gián tiếp. Thực tế tại du lịch Hà Tĩnh hiện nay đang sử dụng phần lớn lao động chưa đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, lao động còn mang tính thời vụ. Đây cũng là một hạn chế đối với quá trình hội nhập quốc tế của du lịch Hà Tĩnh. Trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi Đại dịch Covid 19, theo thống kê của Tổng cục du lịch, có tới gần 60% số lao động du lịch phải nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng hoặc tạm nghỉ việc. Năm 2021, chỉ có 25% số lao động làm đủ thời gian; 30% phải nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động; 35% tạm nghỉ việc; 10% làm việc cầm chừng. Sau 4 tháng Việt Nam mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch, ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Tĩnh nói riêng bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, nhưng đang phải đối mặt với thách thức thiếu hụt nhân sự. Phần lớn lao động du lịch đã phải chuyển sang nghề khác để mưu sinh. Nay du lịch mở cửa, có những người quay lại, nhưng cũng có nhiều người đã ổn định công việc mới, nguồn thu nhập cao hơn, nên không muốn quay lại ngành. Vì thế, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch, nhất là lao động chất lượng vô cùng căng thẳng. Để khắc phục tình trạng trên theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

- Trước mắt, cần rà soát nguồn nhân lực du lịch, nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém, thiếu hụt về chuyên môn, nghiệp vụ của từng bộ phận; nghiên cứu, dự báo sự phát triển và nhu cầu của thị trường để tính toán nhu cầu đào tạo tập trung, đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của từng địa phương, cơ sở.

- Để tận dụng cho các cơ sở kinh doanh đã tuyển dụng nguồn nhân lực tại chỗ chưa qua đào tạo để giải quyết nhu cầu trước mắt, các Sở, ngành, địa phương cần có kế hoạch tổ chức đào tạo tập huấn ngắn hạn để bổ sung một số lượng kiến thức nghiệp vụ du lịch cơ bản cho đội ngũ lao động. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho nguồn nhân lực, tập huấn chuyên sâu, đóng vai trò quan trọng, và cũng được coi là một trong những yếu tố then chốt làm tăng khả năng cạnh tranh tranh, chuyên nghiệp hóa đội ngũ lao động chuyên môn của ngành đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngày càng cao của khách du lịch.

- Các Sở, ngành địa phương cần ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác đào tạo, tập huấn tại chỗ cho đội ngũ lao động chuyên môn nghiệp vụ của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch vào các thời điểm thích hợp trong năm (tránh mùa cao điểm trong du lịch từ tháng 3 đến tháng 9).

- Kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức các buổi giáo dục chuyên đề, định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh phổ thông trung học hiểu rõ được các nghề nghiệp và đam mê của mình trong tương lai.

- Kiến nghị các cơ sở kinh doanh: Để ưu tiên thu hút nguồn nhân lực chất lượng đề nghị các cơ sở kinh doanh cần chủ động xây dưng cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút nguồn lao động qua đào tạo nghiệp vụ để người lao động có động lực gắn bó với cơ sở.

 


[Trở về]
Phản hồi bạn đọc