Áp dụng hệ thống logistics bài bản, chuyên nghiệp chính là một trong những yếu tố giúp nông sản Việt vươn xa.
(Hình minh họa)
Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn có 7 nhóm sản phẩm nông lâm nghiệp có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ. Đặc biệt liên tục trong thời gian qua, Việt Nam liên tục xuất khẩu trái cây tươi sang các thị trường khó tính.
Công ty TNHH XNK Phương Ngọc, huyện Cái Bè, Tiền Giang cho biết, ngoài 20 tấn sầu riêng thì luân phiên mỗi tháng sẽ có 10.000 chai nước rau quả như nước mía, rau má, cóc, chuối sáp… đều đặn vào thị trường Mỹ. Giá trị mang lại cho doanh nghiệp hàng trăm triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần bán sản phẩm thô. Có được kết quả này do doanh nghiệp đã cấp đông nông sản - một trong các giải pháp logistics để nông sản tươi có thể xuất khẩu đi xa.
Còn Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit mỗi tháng sẽ xuất khẩu khẩu từ 70 tấn tới 100 tấn nhãn tươi vào Nhật Bản. Điều kiện tiên quyết để nhãn tươi xuất khẩu chính ngạch vào thị trường khó tính này là nhãn tươi phải được xử lý theo quy trình logistics cho nông sản một cách bài bản.
"Bên phía Nhật Bản đã có rất nhiều cuộc họp để tìm ra quy trình xử lý. Họ yêu cầu là phải xử lý lạnh với 13 ngày sau khi thu hoạch, phải đưa ra nhà máy xử lý lạnh là 1,13 độ C", ông Nguyễn Khắc Huy - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit cho biết.
Trong bối cảnh các nhóm hàng chủ lực bị sụt giảm sản lượng thì có những mặt hàng xuất khẩu vẫn tăng trưởng ấn tượng. Ví dụ như kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng tới 206 % so với cùng kỳ năm ngoái. Sự bài bản trong logictics nông sản là yếu tố quyết định cho sự thành công.
Trung tâm logistics theo vùng hỗ trợ xuất khẩu nông sản
Nông sản Việt hiện đã xuất khẩu đi hơn 200 nước trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản trên thị trường quốc tế cần phát triển hệ thống logistics, đặc biệt là xây dựng các trung tâm logistics theo từng vùng.
ĐBSCL chiếm hơn 50% lượng nông sản xuất khẩu của cả nước, nhu cầu vận chuyển khoảng 18 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, vùng còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh.
Theo thống kê, có khoảng 70% lượng hàng hóa của vùng phải vận chuyển đến các cảng lớn tại TP Hồ Chí Minh và Cái Mép - Bà Rịa Vũng Tàu, khiến chi phí vận tải tăng cao từ 10 - 40%.
Bộ NN&PTNT đã ra đưa ra đề án phát triển hệ thống logistics để làm sao xã hội hóa, kêu gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó, chú trọng đến vấn đề thành lập các trung tâm logistics nông sản theo 3 cấp, từng bước hiện đại hóa chuỗi cung ứng, giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo cân đối cung cầu và nâng cao thu nhập cho người sản xuất kinh doanh nông sản.
Dự thảo đề án lần này đặt ra nhiệm vụ xây dựng hệ thống logistics nông nghiệp cần gắn với các vùng sản xuất trọng điểm; đồng thời, cần tăng cường liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng nông sản.
BBT