Sáng 7/5, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đi kiểm tra một số dự án, mô hình ứng dụng KHCN trong sản xuất trên địa bàn. Cùng đi có lãnh đạo Sở KH&CN, Sở NN&PTNT và một số đơn vị liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và đoàn đã đến kiểm tra dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây sâm bố chính (Hibiscus sagittifolius Kurz) và mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất hoa lan hồ điệp trên địa bàn xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà.
Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây sâm bố chính (Hibiscus sagittifolius Kurz) tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh” do Công ty TNHH Bio Green STC chủ trì thực hiện từ đầu năm 2024 với diện tích 1ha.
Đây là dự án làm nhiệm vụ hỗ trợ nhân rộng các kết quả nghiên cứu, các mô hình khoa học có hiệu quả cao. Mục tiêu của dự án là xây dựng thành công mô hình ươm cây giống, trồng chăm sóc cây sâm bố chính tại Hà Tĩnh. Dự kiến, năng suất đạt 5 tấn/ha; tạo tiền đề để mở rộng diện tích, thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả ở địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Bước đầu cho thấy cây sâm bố chính phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu Hà Tĩnh.
Đặc biệt, mô hình được triển khai trên diện tích đất cát bạc màu. Công nghệ lựa chọn của dự án là quy trình trồng trọt theo tiêu chí GAP - quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Theo thuyết minh dự án, sản lượng cây sâm bố chính đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cung ứng ra thị trường, dự kiến lợi nhuận bước đầu đạt trên 500 triệu đồng.
Qua 5 tháng triển khai, cây sâm bố chính đang phát triển tốt, phù hợp với điều kiện địa phương.
Đoàn kiểm tra mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất hoa lan hồ điệp.
Mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất hoa lan hồ điệp tại tỉnh Hà Tĩnh thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 của Chính phủ.
Mô hình có diện tích 2.500 m2 tại xã Thạch Khê do Công ty TNHH Trí Đức Hà Tĩnh thực hiện từ cuối năm 2022. Quy mô đầu tư nhà giàn, công nghệ ban đầu là hơn 7,5 tỷ đồng (chưa tính chi phí sản xuất và giống). Mô hình được đầu tư tỷ lệ tự động hóa cao trong khâu sản xuất, đặc biệt là việc tự động đo (bằng cảm biến) và điều chỉnh ánh sáng, độ ẩm không khí, độ ẩm giá thể theo thông số tiêu chuẩn kỹ thuật...
Trong vụ sản xuất đầu tiên năm 2023, mô hình đã khẳng định được hiệu quả kinh tế với sản lượng hơn 60.000 cây, lợi nhuận ước tính đạt trên 3 tỷ đồng. Năm 2024, doanh nghiệp đang mở rộng quy mô sản xuất lên 70.000 cây và có nhu cầu mở rộng thêm.
Qua kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đánh giá cao sự năng động, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng KH&CN triển khai các mô hình, dự án sản xuất của doanh nghiệp, nông dân; qua đó góp phần cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn, chất lượng. Trong đó, mô hình sản xuất hoa lan hồ điệp đã có sản phẩm chất lượng, được thị trường đón nhận, đánh giá cao về chất lượng, mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, KH&CN có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng; việc ứng dụng KHCN vào sản xuất đã tăng tính ổn định, giảm dần việc phụ thuộc vào thời tiết trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành KH&CN tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả các mô hình; nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để các mô hình, dự án phát triển thêm khâu sản xuất giống, giảm chi phí sản xuất. Riêng với dự án trồng cây sâm bố chính, cần có thêm nghiên cứu, ứng dụng khoa học để chế biến sâu sản phẩm, không để lãng phí nguồn nguyên liệu quý, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của dự án.
Sở KH&CN, Sở NN&PTNT và các địa phương cần tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp, nông dân mở rộng quy mô sản xuất; trên cơ sở đánh giá hiệu quả, có kế hoạch tuyên truyền, chuyển giao công nghệ, nhân rộng các mô hình, dự án; khuyến khích người dân, doanh nghiệp tiếp tục mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất.
BBT