Chiều ngày 27/8/2024, ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam và một số Doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát vùng trồng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ cây gió trầm ở huyện Hương Khê.
Cùng đi có các đồng chí: Nguyễn Thanh Điện, TUV, Bí thư Huyện ủy; Ngô Xuân Ninh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện; Phan Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện một số ban, ngành cấp huyện, lãnh đạo các xã: Hương Giang, Phúc Trạch, Thị trấn huyện.
Theo đó, đoàn đã đến tham quan, khảo sát tại HTX Trầm Hương Thiện Tâm do ông Nguyễn Trọng Cử, trú tại thôn 7, xã Hương Giang, Cơ sở sản xuất kinh doanh Trầm Hương Thọ Nga ở xã Phúc Trạch và Công ty Trầm Hương Sơn Đông, Công ty TNHH & TM Đức Tài tại Thị trấn Hương Khê .
Tính đến thời điểm này, huyện Hương Khê có trên 685,5ha trồng cây gió trầm, trong đó tập trung chủ yếu tại xã Phúc Trạch với diện tích 350 ha, giá trị thu nhập từ cây gió trầm hằng năm khoảng 100 tỷ đồng.
Toàn huyện có 11 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ cây gió trầm, trong đó: Phúc Trạch 7 cơ sở và 1 làng nghề chế tác Trầm Hương theo Quyết định số 2219/QĐ-UBND ngày 28/10/2022 của UBND tỉnh Hà Tĩnh với 55 hộ dân tham gia. Có 33 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao, trong đó Hương Trầm Hiền Linh, Hương trầm cao cấp Thọ Nga, Hương Trầm Đinh Gia cho doanh thu từ 500 – 800 triệu đồng/tháng.
Các sản phẩm được sản xuất từ cây gió trầm tại Công ty Trầm Hương Sơn Đông, thị trấn Hương Khê.
Đối với tổng doanh thu tại làng nghề chế tác Trầm Hương vào năm 2023 đạt 26.200 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt 221 triệu đồng/năm. Ngoài ra, toàn huyện có 4 cơ sở kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ cây gió trầm là Công ty TNHH&TM Đức Tài, Công ty TNHH Trầm Hương Đông Sơn tại Thị trấn Hương Khê; Hộ kinh doanh Trầm Hương Nguyễn Trọng Cử ở xã Hương Giang và hộ kinh doanh Lê Khắc Duyệt trú tại xã Hương Long…
Một số sản phẩm được chế xuất từ cây gió trầm ở Hương Khê.
Hiện nay, các sản phẩm được sản xuất từ cây gió trầm trên địa bàn huyện Hương Khê chủ yếu bao tiêu sản phẩm thị trường trong nước, như TP.Hà Nội, TP.Vinh, TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Huế, Vũng Tàu, Nha Trang, Ninh Bình,…
Tại cơ sở sản xuất kinh doanh Trầm Hương Thọ Nga ở xã Phúc Trạch.
Tại chuyến khảo sát, ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam và một số Doanh nghiệp trong và ngoài nước đã lấy một số mẫu được sản xuất từ cây gió trầm để nghiên cứu, liên kết hướng tiêu thụ sản phẩm sản xuất từ cây gió trầm ra nước ngoài. Đồng thời mong muốn huyện Hương Khê tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đầu tư trồng cây gió trầm. Tập trung sản xuất, nâng cao giá trị các sản phẩm từ cây gió trầm, phối hợp mở rộng kết nối thị trường tiêu thụ, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn.
BBT