Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh vừa nỗ lực phòng chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh.
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh vừa nỗ lực phòng chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh.
Với gần 400 công nhân thường xuyên lao động tập trung, từ mấy tháng nay, Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh (Cụm công nghiệp Nam Hồng) đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh như: đo thân nhiệt, phát khẩu trang, nước rửa tay miễn phí cho cán bộ, công nhân trước khi nhận ca...
Dù thiếu nhân công nhưng Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh vẫn cho phép những công nhân có người nhà đi từ vùng dịch về được nghỉ làm để theo dõi sức khỏe
“Những ngày này, chúng tôi quán triệt công nhân hạn chế tiếp xúc, nói chuyện; không được di chuyển nhiều trong lúc làm việc nếu không cần thiết. Dù thiếu nhân lực nhưng những công nhân có người nhà đi từ vùng dịch về vẫn được công ty cho nghỉ làm theo dõi tình hình sức khỏe để đảm bảo an toàn chung” - Chủ tịch Công đoàn công ty Trần Thị Hương Giang cho biết.
Để hạn chế tiếp xúc, lãnh đạo công ty và quản lý các bộ phận cũng tiến hành giám sát từ xa, thảo luận và giao việc qua điện thoại, bộ đàm; chỉ thực sự cần thiết mới tiếp xúc trực tiếp và đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn cẩn thận.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, 3 tháng đầu năm, sản lượng của Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh giảm trên 30%.
Tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh (KKT Vũng Áng), do đặc thù công việc, công nhân luôn được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, thực hiện các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt.
Trong thời điểm dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, đơn vị đã triển khai các biện pháp phòng dịch như: khử trùng khu chế biến, nhà xưởng, phương tiện vận chuyển và siết chặt quản lý nguồn nguyên liệu đầu vào.
Vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực hết mình.
Giảm chi phí, tập trung đơn hàng nhỏ
Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh Kiều Đức Phúc cho biết: “Để duy trì hoạt động, chúng tôi buộc phải cắt giảm chi phí, nhân công. 3 tháng đầu năm, sản lượng của công ty đã giảm trên 30%, giá thành trên thị trường cũng giảm khoảng 10%”.
Cũng chung tình cảnh khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, những tháng đầu năm, Công ty CP Sao Mai (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) đã sụt giảm khoảng 35% sản lượng do các đơn hàng lớn từ đối tác nước ngoài bị gián đoạn.