Ngày 6/3, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg (Chỉ thị 11) về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch CoVid-19. Trong đó, có gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng để kịp thời “bơm” vốn cho doanh nghiệp...
Các ngân hàng đang “nhập cuộc” tích cực trong cuộc chiến “kích cầu” sản xuất kinh doanh
Suốt thời gian dài, những tác động của dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp, nhất là các DN nhỏ và vừa tại Hà Tĩnh gặp rất nhiều khó khăn. Sản xuất, kinh doanh “chững”, doanh nghiệp không đủ kiểm soát tiền nợ ngân hàng...
Cách đây không lâu, một doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc (huyện Kỳ Anh) đã bị gián đoạn hoạt động vì tình hình dịch bệnh phức tạp tại nước sở tại. Thời điểm đó, doanh nghiệp này còn dư nợ tại Vietcomabank Hà Tĩnh đến trên 23 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn cũng gặp rất nhiều khó khăn..., thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn phải tạm dừng kinh doanh vì thu không đủ bù chi.
Tình hình kinh tế khó khăn cũng tác động trở lại đối với tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng. Tại hai chi nhánh ngân hàng lớn, Agribank Hà Tĩnh, đến 5/3, dư nợ đạt trên 6.800 tỷ đồng, giảm 81 tỷ đồng so với cuối năm 2019; Vietcombank Hà Tĩnh, dư nợ cũng giảm trên 100 tỷ đồng so với 31/12/2019.
Trước khi Chỉ thị 11 ban hành, nhiều ngân hàng ở Hà Tĩnh đã có nhiều động thái tích cực liên quan đến hỗ trợ khách hàng chịu thiệt hại Covid-19
Theo đại diện của một chi nhánh ngân hàng thường mại tại Hà Tĩnh, kỳ giảm dư nợ này một phần do vào đầu năm, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tập trung thanh toán công nợ mà chưa có phát sinh dự án hay kế hoạch sản xuất kinh doanh mới. Tuy nhiên, phần khác là ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh Covid-19.
Hiện, các ngân hàng đang nỗ lực triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng (theo Chỉ thị 11).
Trong đó, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng thì tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 .
Khách sạn Sao Mai cần khoảng 300 triệu đồng nâng cấp cơ sở vật chất cho mùa kinh doanh du lịch biển năm nay
Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 2/2020, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1 khách hàng với dư nợ được cơ cấu là 7.626 triệu đồng; giảm lãi vay cho 4 khách hàng (đều là doanh nghiệp) với dư nợ được giảm là 34.009 triệu đồng; cho 1 khách hàng được vay mới với doanh số cho vay là 1.655 triệu đồng tại Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Huy Tiến, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: “Chi nhánh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại do dịch Covid – 19 để triển khai các giải pháp phù hợp giúp khách hàng tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong việc tiếp cận vốn, khôi phục sản xuất”.
Trong lúc đó, đối với các doanh nghiệp, Chỉ thị 11 chính là “chiếc phao cứu sinh” giữa cao điểm của khó khăn. Ông Nguyễn Trọng Tỏa, Giám đốc Khách sạn Sao Mai (Công ty TNHH Hải Âu Rising xã Cẩm Nhượng -Cẩm Xuyên) cho biết: “Sắp vào mùa kinh doanh du lịch trọng điểm, khách sạn cần 300 triệu đồng để nâng cấp cơ sở vật chất. Nếu dựa vào tình hình kinh doanh như hiện nay thì doanh nghiệp rất khó khăn. Tôi đang tìm hiểu và lựa chọn ngân hàng nào có chính sách tốt nhất thì sẽ đề xuất vay vốn. Tất nhiên, doanh nghiệp chúng tôi ngoài tài sản thế chấp thì đã xây dựng kế hoạch kinh doanh hiệu quả để sẵn sàng những điều kiện tín dụng tiếp cận được vốn ưu đãi từ Chính phủ".
Hoạt động cầm chừng, doanh thu của nhà hàng này tụt giảm 60% so với trước
Còn với chủ Nhà hàng Hàn Quốc, đường Hàm Nghi, TP Hà Tĩnh không khỏi “sốt sắng” kể từ thời điểm Chỉ thị 11 ban hành. Từ đầu năm nay, doanh thu của cửa hàng đã giảm sút 60%, một phần do tâm lý của khách hàng trước dịch bệnh Covid-19, phần khác số lượng khách hàng thường xuyên là những người nước ngoài (chiếm 35%) giảm, kinh doanh chỉ giữ ở trạng thái... cầm chừng.
“Những nhà hàng ăn uống như chúng tôi là đối tượng chịu ảnh hưởng tức thì trong dịch Covid- 19. Việc được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi sẽ giúp chúng tôi giảm bớt gánh nặng về lãi suất, đảm bảo được lợi nhuận nhất định để duy trì kinh doanh. Tuy nhiên, với những hộ cá thể, mặt bằng kinh doanh trên đất thuê như chúng tôi thì không biết có được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này không?!"
Agribank Hà Tĩnh đang nỗ lực thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bằng các chính sách tín dụng
Không chỉ từ phía khách hàng, các ngân hàng cũng mong mỏi Chỉ thị 11 sẽ tạo một làn sóng tổng lực “kích cầu” cả khách hàng lẫn ngân hàng vượt qua thời kỳ khó khăn, đưa cán cân tăng trưởng tín dụng quay trở lại chiều tăng kể từ tháng 3 này.
Theo Nguyễn Oanh/Báo Hà Tĩnh