Thực hiện Kế hoạch năm 2017 của Ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (gọi là Chương trình 585), trên cơ sở Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện và điều chỉnh các dự án Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014, thực hiện giai đoạn 2015-2020.
Ngày 09/9/2017 tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Chương trình 585 chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và một số địa phương ở Khu vực các tỉnh phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Tây Ninh, Long An, Trà Vinh…. Tổ chức Hội nghị đối thoại “Đánh giá, trao đổi nhu cầu và mô hình hoạt động mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn”. Tham dự và chủ trì Hội nghị đối thoại có TS. Nguyễn Thanh Tú, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình 585.
Mở đầu Hội nghị đối thoại, Ông Trần Minh Sơn, đại diện Tổ Thư ký Chương trình 585 đã trao đổi các vấn đề liên quan đến hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; trao đổi về kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các nước trên thế giới và những bài học kinh nghiệm đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Việt Nam trong việc kiện toàn mô hình và phát triển mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Ông Nguyễn Viết Phương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang chia sẻ tại Hội nghị đối thoại thì tỉnh Hậu Giang có 4.073 doanh nghiệp (tính đến tháng 4/2017), tỉnh luôn xác định công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là nhiệm vụ rất quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội của địa phương. Hiện nay tỉnh có 15 luật sư dăng ký hoạt động, con số này là quá ít để thực hiện các hoạt động mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới, Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang đã xây dựng và triển khai thực hiện “Đề án thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Luật sư Lê Anh Văn – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực thuộc Hiệp hội cho rằng để nâng cao hơn nữa hiệu quả mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời giai tới trong bối cảnh cần sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của mạng lưới nhằm thu hút các luật sư, luật gia tham gia hiệu quả vào mạng lưới góp phần hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm và định hướng sau năm 2020 cho hoạt động này trong bối cảnh Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến doanh nghiệp, công tác thực thi pháp luật của doanh nghiệp.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Ông Bùi Mạnh Hùng – Phó Trưởng ban Ban Pháp chế và Luật sư, PGS-TS. Dương Đăng Huệ - Giám đốc Trung tâm thông tin, tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp cũng cho rằng, bằng các định hướng của Nhà nước, công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực cho hoạt động mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn là rất cần thiết trong tương lai, chúng ta nên là rõ các nội dung, đối tượng, mục đích, yêu cầu của việc xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Xây dựng các tiêu chí cụ thể để đánh giá hiệu quả hoạt động mạng lưới tư vấn pháp luật, huy động sự tham gia của các Luật sư, Luật gia vào công tác này.
Luật sư Cao Thị Huyền Thương – Trưởng Văn phòng Luật sư Huyền Thương và Công sự và TS. Luật sư Nguyễn Am Hiểu – Khoa luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (TS. Lê Ánh Nguyệt) cũng cho rằng rà soát, đánh giá và xây dựng mô hình hoạt động mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn là rất cần thiết, tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ kinh nghiệm trong và ngoài nước để đánh giá, lựa chọn mô hình hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa và quan trọng là các thủ tục, biện pháp phải đơn giản, tập trung vào hướng dẫn thực hành các tình huống, giải quyết các vụ việc cụ thể và cần huy động sự tham gia của đội ngũ các giảng viên pháp lý ở các đơn vị đào tạo, nghiên cứu về luật để nâng cao hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới.
Phát biểu tổng kết Hội nghị đối thoại, TS. Nguyễn Thanh Tú, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình 585 cho rằng, việc đánh giá, trao đổi nhu cầu và mô hình hoạt động mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn là rất cần thiết, ngoài những kết quả đạt được, còn rất nhiều hạn chế, khó khăn và chưa thực sự phát huy hiệu quả hoạt động, cần được nghiên cứu kỹ và có những đề xuất, sửa đổi, bổ sung các hoạt động, mô hình mạng lưới tư vấn pháp luật trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.
Theo moj.gov.vn