Cuối tháng 4, Ngân hàng Chính sách - Xã hội Việt Nam (NHCSXH) có hướng dẫn cho vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc với lãi suất 0%. Nguồn tín dụng mới “đi thẳng” đến người lao động, đồng thời chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Trước đó, ngày 24/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP.
Theo quyết định này, người sử dụng lao động khó khăn về tài chính sẽ được vay vốn tại NHCSXH với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động. Nguồn vốn này là nguồn vay tái cấp vốn không có tài sản đảm bảo từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Điều kiện cần để tiếp cận nguồn vốn là doanh nghiệp đó có từ 20% hoặc 30 lao động trở lên đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục và đã trả tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động từ ngày 1/4 – 30/6.
Gói tín dụng chính sách chỉ thực hiện với người sử dụng lao động đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc. Đồng thời, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.
Hiện nay, Hà Tĩnh có khoảng 7.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó 98% là quy mô nhỏ và vừa, siêu nhỏ. Và, theo thống kê chưa đầy đủ từ các doanh nghiệp, hiện có khoảng 5.000 lao động bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch Covid-19. Trong đó, 317 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, khoảng 3.730 lao động bị ngừng việc, 973 nghỉ không lương, tạm ngừng việc.
Điều mà phần lớn các doanh nghiệp đang băn khoăn là làm sao để tiếp cận được chính sách và những điều kiện tiếp cận, hồ sơ vay vốn cầu kỳ có là “bước cản” chính sách…?
Ông Hoàng Trung Thông, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh cho biết: “Gói tín dụng 0% để trả lương cho người lao động là chính sách chưa từng có dành cho doanh nghiệp và cả người lao động. Tính nhân văn ở chỗ không chỉ giải quyết về mặt tài chính mà còn góp phần ổn định sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và tâm lý cho người lao động. Tuy nhiên, sẽ nhiều doanh nghiệp ở Hà Tĩnh khó tiếp cận vì không đủ điều kiện về tỷ lệ lao động bị ngưng việc (20% hoặc 30 người trở lên - PV). Doanh nghiệp vẫn mong muốn được tiếp cận chính đáng và hỗ trợ thực chất từ chính sách”.
Theo Baohatinh.vn