Theo lộ trình, cụm công nghiệp Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) sẽ được thành lập vào năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa được khởi động. Thế nên, người dân Cẩm Nhượng vẫn không thể mở rộng quy mô, khó khăn trong giải quyết vấn đề nước thải sau chế biến...
Sau 3 năm quy hoạch, CCN Cẩm Nhượng... vẫn nằm trên giấy
Đất chật, cơ sở chế biến đông
Năm 2015, khi nghe xã thông tin về việc tỉnh cho chủ trương xây dựng cụm công nghiệp (CCN) Cẩm Nhượng, gia đình chị Trần Thị Phượng (thôn Tân Dinh, xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) vô cùng phấn khởi, vì từ đây, nghề chế biến thủy, hải sản truyền thống của gia đình có cơ hội để mở rộng quy mô, nhất là giải quyết vấn đề nước thải sau chế biến.
Sản xuất, chế biến thủy, hải sản trong nhà vừa chật chội, vừa gây ô nhiễm
Chị Phượng chia sẻ: “Hiện nay, việc chế biến thủy, hải sản của gia đình vẫn đang làm ở trong đất vườn. Chật chội, không có đất để mở rộng quy mô thì đã đành, khâu vệ sinh sau chế biến, nhất là vấn đề xử lý nước thải cũng vô cùng nan giải. Vì vậy, chúng tôi rất mong nhà nước đầu tư xây dựng CCN để trả lại không gian trong lành cho khu dân cư”.
Chế biến thủy hải sản là ngành nghề truyền thống bao đời nay của người dân Cẩm Nhượng
Mong mỏi của chị Phượng cũng là nguyện vọng của hàng trăm hộ kinh doanh, chế biến thủy, hải sản ở Cẩm Nhượng. Theo thống kê, toàn xã hiện có 5 doanh nghiệp, 6 HTX hoạt động trong ngành nghề chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá; 120 hộ sản xuất, chế biến thủy hải sản quy mô lớn; hàng trăm hộ sản xuất, chế biến nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Giá trị kinh tế hàng năm từ ngành nghề chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá của Cẩm Nhượng chiếm 30 - 35% tổng doanh thu toàn xã; giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Tại Cẩm Nhượng có hàng trăm hộ sản xuất, chế biến nhỏ lẻ trong khu dân cư
Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng Nguyễn Sỹ Huyền cho biết: “Sản xuất tiểu thủ công nghiệp của địa phương hiện đang tăng về số lượng và quy mô. Nhiều cơ sở muốn mở rộng sản xuất, nhưng ngặt nỗi đất chật, người đông nên rất khó. Tuy nhiên, đã hơn 3 năm từ khi có chủ trương, CCN vẫn chưa được khởi động nên bà con có ý kiến thắc mắc”.
Chung quy cũng vì... thiếu vốn
Theo kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 04/02/2014 của UBND tỉnh về phát triển CCN trên địa bàn, lộ trình thành lập CCN Cẩm Nhượng nằm trong giai đoạn đến năm 2015. Từ tháng 9/2015, UBND huyện Cẩm Xuyên đã xây dựng hồ sơ trình sở, ngành liên quan xem xét, thẩm định.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, địa phương nhận thấy toàn bộ diện tích đất để xây dựng CCN Cẩm Nhượng nằm trong khu vực quy hoạch rừng phòng hộ chắn sóng nên đã đề xuất UBND tỉnh thực hiện chuyển đổi diện tích đất rừng trên.
Khu vực quy hoạch CCN vướng diện tích rừng phòng hộ
Ngày 3/3/2017, UBND tỉnh đã có Quyết định số 607/QĐ – UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng Hà Tĩnh đến năm 2020. Trong đó, đưa khu vực dự kiến thành lập CCN Cẩm Nhượng ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ. Ngay sau đó, ngày 27/3/2017, UBND tỉnh đã có Quyết định 763/QĐ-UBND về việc thành lập CCN Cẩm Nhượng.
CCN Cẩm Nhượng được quy hoạch ngay bên bến tàu nên rất thuận lợi cho việc thu mua, chế biến
Khó khăn lớn nhất đã được tháo gỡ, chủ trương đã được "mở đường" thông thoáng, nhưng đến nay, hơn 1 năm kể từ khi có quyết định thành lập, CCN Cẩm Nhượng vẫn chưa được khởi công xây dựng. Trong đó, nguyên nhân chính là thiếu vốn đầu tư.
Theo quy hoạch, CCN Cẩm Nhượng được xây dựng trên diện tích 5,02 ha, với tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật hơn 88 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, UBND huyện Cẩm Xuyên – chủ đầu tư dự án vẫn chưa tìm được nguồn kinh phí để đầu tư.
"Kinh phí lớn trong khi nguồn lực có hạn nên huyện đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng CCN. Hy vọng thời gian tới, tỉnh và các sở ngành quan tâm kêu gọi để có địa phương có một CCN tương xứng, giải quyết nhu cầu đất sản xuất kinh doanh và vấn đề ô nhiễm môi trường của bà con nhân dân" - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng Nguyễn Sỹ Huyền nhấn mạnh.a
Theo Baohatinh.vn